Đối với người phụ nữ, ba tháng đầu thai kỳ là rất quan trọng. Tất cả mọi thứ đều mới mẻ, thú vị. Trong đầu bạn luôn đặt ra vô vàn câu hỏi. Để tránh căng thẳng, dưới đây là một loạt những hướng dẫn giúp bạn trả lời các câu hỏi về sự thay đổi thai kỳ trong suốt 3 tháng đầu theo tuần:
Tuần 1
Hiện tại bạn chưa thật sự mang thai. Thời gian mang thai chỉ được tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối cùng. Vì vậy, tuy thời gian mang thai được cho là 40 tuần, bạn chỉ thật sự mang thai 38 tuần thôi. Những gì bạn nên làm trong tuần đầu tiên là:
- Bắt đầu bổ sung vitamin trước khi sinh với ít nhất 400mcg axit folic. Đây là một dạng vitamin B đã được chứng minh là giúp ngăn ngừa khuyết tật ở ống thần kinh, ví dụ như chứng nứt đốt sống xương.
- Bỏ thói quen không lành mạnh như hút thuốc lá, uống rượu bia.
Tuần 2
Rụng trứng xảy ra. Đây là cơ hội mang thai tốt nhất. Bạn nên quan hệ 1 – 2 ngày trước ngày rụng trứng dự kiến. Việc tốt nhất bạn nên làm trong thời gian này chính là:
- Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày trong suốt thai kỳ.
- Bắt đầu tìm hiểu về bác sĩ sản khoa và nữ hộ sinh có uy tín và phù hợp với khả năng tài chính của mình.
Tuần 3
Bạn có thể đang mang thai nhưng cơ thể bạn không có dấu hiệu nào. Và những gì bạn nên làm đó là:
- Không sử dụng bất cứ loại thuốc nào mà không có sự tư vấn của bác sĩ. Bạn nên tránh các loại thuốc có chứa vitamin A hoặc các dẫn xuất của vitamin A như retin-A, accutane. Tuy nhiên, nếu bạn mắc các chứng bệnh cần điều trị liên tục như hen suyễn, tiểu đường, bạn cần hỏi bác sĩ trước khi ngưng các loại thuốc cần thiết
- Nếu bạn chưa tiêm phòng tránh cúm, bạn nên tiêm. Các loại vaccine này thường an toàn.
Tuần 4
Cần kiểm tra xem bạn có đang mang thai không. Nếu có, bạn sẽ thấy cồng kềnh, mệt mỏi, ủ rũ, đau ở ngực, buồn nôn, thường xuyên đi vệ sinh. Tuy nhiên, bạn không cần lo lắng, đây là điều bình thường.
Những gì bạn nên làm:
- Nếu kích cỡ ngực tăng lên, bạn cần chọn mua áo ngực có hỗ trợ thêm. Nhiều phụ nữ tăng lên 1 cỡ ngực trong những tuần đầu.
- Tránh hóa chất và khói thuốc lá. Bạn nên yêu cầu chồng làm những nhiệm vụ như đổ rác, bơm xăng để giảm tối thiểu tiếp xúc với chất độc hại.
Tuần 5
Mặc dù kích thước phôi thai hiện tại chỉ bằng hạt cát, tim đã bơm máu, hầu hết các cơ quan khác đã phát triển, chồi của tay và chân cũng đã xuất hiện. Bạn có thể gặp triệu chứng đãng trí khi mang thai. Vì thế, bạn nên:
- Lập danh sách các việc cần làm.
- Hẹn gặp bác sĩ sản khoa hoặc nữ hộ sinh. Bạn cần đặt hẹn vòng 10 tuần đầu tiên.
Tuần 6
Hiện tại bạn đã cảm nhận được rõ rệt việc mình đang mang thai. Bạn có thể lo lắng về sẩy thai ngoài ý muốn. Vì vậy, hãy tự trấn an bản thân, suy nghĩ nên lựa chọn khi nào nói với người thân, bạn bè và sếp rằng bạn đang mang thai. Một số người lựa chọn chờ đến sau ba tháng đầu để giảm nguy cơ sẩy thai.
Tuần 7
Kich cỡ phôi thai đã tăng lên gấp đôi nhưng chỉ lớn khoảng 1 cm. Trong lúc này, nội tiết tố thai kỳ của bạn có thể gia tăng nên tình trạng ốm nghén sẽ nặng hơn, hoặc bạn có thể cảm giác thèm ăn liên tục. Một số phương pháp cho mẹ trong giai đoạn này đó là:
- Nếu bạn bị nôn mửa nhiều, bạn có thể thử chia phần ăn ra thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, đặc biệt là những món như mứt gừng, cam, quýt; tránh những món mùi nồng, mạnh.
- Bạn cũng cố gắng không ăn quá nhiều để tránh tăng cân quá nhanh trong ba tháng đầu.
Tuần 8
Bác sĩ đã có thể nhìn hoặc nghe nhịp tim của bé bằng máy siêu âm. Khi bạn nhìn thấy hoặc nghe được bé, nguy cơ sẩy thai giảm xuống khoảng 2%. Ngoài ra, bác sĩ sẽ báo cho bạn ngày dự sinh. Mặc dù ngày dự sinh của bạn còn rất xa, nhưng tốt nhất bạn nên bắt đầu đọc những sách hướng dẫn chăm sóc em bé bởi sau khi bé chào đời, bạn sẽ rất bận rộn.
Tuần 9
Thời gian này sức ép của tử cung lên bàng quang sẽ khiến bạn thỉnh thoảng bị rò rỉ nước tiểu. Vì thế, những gì bạn nên làm:
- Bắt đầu tập Kegels: Bóp các cơ bắp xung quanh âm đạo của bạn để ngăn nước tiểu. Bạn nên tập nhiều lần trong ngày. Bài tập này giúp vùng cơ bắp quanh xương chậu khỏe hơn. Ngoài ra, bài tập này giúp chuẩn bị cho cơ thể bạn khi sinh bé.
Tuần 10
Đến thời điểm này, bé của bạn đã được xem là bào thai. Điều này có thể làm bạn lo lắng về việc bé có khỏe mạnh khi lớn lên không. Những gì bạn nên làm:
- Nếu tuổi của bạn là từ 35 trở lên, bạn cần đặt hẹn với bác sĩ để thảo luận về sàng lọc di truyền. Bạn cần kiểm tra xem bé có mắc dị tật bẩm sinh hay không. Điều này có thể thực hiện trong tuần 10 đến 12.
Tuần 11
Cảm giác thèm ăn của bạn đang gia tăng nhanh chóng. Việc thèm ăn những đồ vật như phấn , xà bông cũng không quá kì lạ. Đây được gọi là hội chứng Pica. Điều này phản ánh cơ thể bạn đang thiếu hụt một số loại chất. Những gì bạn cần làm trong giai đoạn này:
- Nếu bạn bị mắc hội chứng pica, bạn cần được sự tư vấn của bác sĩ.
- Nếu bạn cần làm siêu âm độ mờ da gáy, bạn nên đặt hẹn với bác sĩ từ tuần 11 đến tuần 14
Tuần 12
Tử cung của bạn đã bắt đầu mở rộng. Đến cuối thai kỳ, tử cung sẽ mở rộng gấp 1000 lần. Vì thế, từ bây giờ, bạn cần tránh những hoạt động gây ra nguy cơ ngã hoặc chấn thương bụng như cưỡi ngựa. Ngoài ra, bạn nên tránh những bài tập yêu cầu nằm phẳng trên lưng. Bào thai đang phát triển có thể quá nặng khi đè lên đông mạch khiến giảm lượng máu đến tử cung.
Tuần 13
Chúc mừng bạn đã hoàn thành 3 tháng đầu thai kỳ. Tiếp theo, bạn có thể ăn nhiều hơn trước. Bạn cần tăng 5kg trong 14 tuần tiếp theo. Những gì bạn nên làm:
- Để hỗ trợ sự phát triển của bé nhưng không phải tăng cân quá nhiều, bạn cần nạp thêm 300 calo mỗi ngày từ nguồn thực phẩm lành mạnh.
- Bạn nên bắt đầu mua sắm quần áo cho mẹ bầu để thoải mái hơn và không nên mặc đồ quá chật.
Theo Curejoy
Xem thêm các bài viết: